Du lịch Cẩm Phả hướng tới sự phát triển bền vững

Các điểm du lịch Cẩm Phả chỉ mới được công bố vào mùa du lịch hè năm 2018, công tác đầu tư cơ sở hạ tầng tại các điểm hiện vẫn đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, với những bước đi bài bản, quản lý khá chặt chẽ đã cho thấy Cẩm Phả đang nỗ lực để phát triển du lịch bền vững.

Du lịch Cẩm Phả – Đầu tư mạnh đón mùa du lịch hè

Tàu tham quan Vịnh Bái Tử Long có công suất 66 khách/tàu, trị giá trên 10 tỷ đồng mới được Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Du lịch Hoàng Gia Quảng Ninh đưa vào khai thác. Ảnh: Nguyễn Thị Bích Thương (CTV)
Trung tuần tháng 4 vừa qua, tại bến Hoàng Gia (Vũng Đục, TP Cẩm Phả), Công ty TNHH Đầu tư thương mại và Du lịch Hoàng Gia Quảng Ninh đã khai trương 2 tàu tham quan Vịnh Bái Tử Long có công suất 66 khách/tàu, trị giá trên 10 tỷ đồng. Đây cũng là đơn vị đã và đang tổ chức vận chuyển các chuyến tàu cao tốc đi đến các đảo Minh Châu, Quan Lạn, Cô Tô, Cát Bà từ TP Cẩm Phả.
Bà Nguyễn Thị Bích Thương, Phó trưởng Phòng VH-TT TP Cẩm Phả, cho biết: Cả 5 điểm du lịch trên địa bàn thành phố hiện đều đã thành lập ban quản lý, ban giám đốc điều hành, xây dựng kế hoạch phát triển, mở rộng thị trường khách. Tổ chức điều hành, xử lý các vấn đề tại các điểm du lịch đạt kết quả tốt, có trách nhiệm, đảm bảo tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước.
Với con số kể trên đã góp phần nâng tổng số vốn đầu tư của các đơn vị quản lý các điểm du lịch trên địa bàn thành phố từ đầu năm đến nay lên gần 100 tỷ đồng, nhằm nâng cấp cơ sở hạ tầng, chất lượng dịch vụ du lịch tại các điểm đón mùa du lịch hè.
Cụ thể, đền Cửa Ông số vốn bố trí là 41 tỷ đồng. Bãi tắm Quảng Hồng tiến hành phun cát, chỉnh trang bãi tắm, trồng cây các loại, dựng nhà che mưa nắng cho khách, kè đá, làm bãi đỗ xe… với tổng vốn 20 tỷ đồng. Tại bãi tắm Lương Ngọc, năm trước, đơn vị quản lý đã đầu tư xây dựng khu resort với trên 40 phòng nghỉ và 1 nhà hàng ăn uống đạt tiêu chuẩn phục vụ du khách với sức chứa gần 1.000 khách.
Phục vụ mùa du lịch hè này, đơn vị đã trồng cây dọc đường vào bãi tắm Lương Ngọc, đồng thời chỉnh trang khuôn viên, bãi tắm… trị giá 15 tỷ đồng. Đơn vị quản lý Khu Di tích và Danh thắng Vũng Đục cũng đã đầu tư trên 10 tỷ đồng trang bị hệ thống điện chiếu sáng, khu vực ngắm cảnh, nhà vệ sinh…
Cuối tháng 3 vừa qua, thành phố cũng đã phối hợp với Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh, Công ty Thương mại và Dịch vụ du lịch Hoàng Gia tổ chức đoàn khảo sát với trên 20 hãng lữ hành lớn đi khảo sát, trải nghiệm tàu tham quan Vịnh Bái Tử Long để xây dựng các tour, tuyến tham quan du lịch kết nối giữa các huyện, thị xã, các tỉnh, thành với Cẩm Phả.
Bể ngâm khoáng nóng tại Trung tâm Khoáng nóng Địa chất (phường Cẩm Thạch, TP Cẩm Phả).

Ứng phó cho các tình huống cấp bách

Cho đến nay, các điểm du lịch đều đã thiết lập đường dây nóng kết nối với các ban, ngành chức năng của phường và thành phố để phối hợp trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch, cử nhân viên trực 24/7. Đồng thời lắp đặt biển đường dây nóng của Ban quản lý, ngành du lịch tại khu vực dễ quan sát để kịp thời tiếp nhận các phản ánh, kiến nghị của du khách.
Tại 2 bãi tắm du lịch, Ban quản lý đã xây dựng phương án cứu hộ cứu nạn, thành lập tổ cứu hộ cứu nạn có chứng chỉ nghiệp vụ bơi, lặn, xây dựng chòi quan sát, tàu cứu hộ… Các điểm đều có phương án chủ động sơ tán, ứng cứu khách và tài sản khi có thiên tai, hỏa hoạn và những sự cố nghiêm trọng khác. Thành lập Tổ chữa cháy và trang bị đầy đủ các thiết bị phòng cháy chữa cháy theo quy định.
Đồng thời thành lập tổ vệ sinh, bố trí khu vực tập trung rác thải, trung bình có ít nhất 1 thùng rác có nắp đậy trên 200m dọc đường giao thông nội bộ và có khu vệ sinh công cộng đạt chuẩn dành cho khách du lịch. Các điểm du lịch đều có biển nội quy, biển chỉ dẫn đến các điểm dịch vụ nội bộ, niêm yết giá dịch vụ cũng như có nhân viên hướng dẫn du khách khi đến tham quan. Trong đó có 3 điểm có hướng dẫn viên được tham gia tập huấn nghiệp vụ tại Trường Đại học Hạ Long. Các điểm đền Cửa Ông, khu di tích và danh thắng Vũng Đục, bãi tắm Lương Ngọc mỗi điểm bố trí 3 hướng dẫn viên phục vụ du khách.

Du lịch Cẩm Phả – Phát huy lợi thế, khắc phục tồn tại

Du lịch của Cẩm Phả – Du khách tắm biển tại bãi tắm Lương Ngọc.
TP Cẩm Phả mới tổ chức công bố 5 điểm du lịch trên địa bàn vào trung tuần tháng 4/2018, cũng là dịp khởi động cho mùa du lịch hè năm ngoái. Qua đánh giá cho thấy, việc công bố đã tạo được hiệu ứng lớn trong công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và thu hút được lượng khách tăng cao so với cùng kỳ năm trước.
Theo thống kê, tổng lượng khách du lịch đến thành phố năm 2018 đạt 95 vạn lượt, tăng 5 vạn khách so với năm trước. Từ đầu năm đến nay, khách đến các điểm du lịch của Cẩm Phả đạt khoảng 30 vạn lượt, gồm cả khách du lịch tâm linh và khách du lịch giải trí – nghỉ dưỡng với tổng doanh thu từ du lịch đạt trên 20 tỷ đồng.
Với định hướng phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian tới đây, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai các nội dung gắn với các chương trình du lịch của Quảng Ninh. Tích cực tuyên truyền vận động nhân dân, các doanh nghiệp du lịch và du khách tham gia xây dựng môi trường du lịch văn minh, lịch sự, an toàn; ứng xử có văn hóa, nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường và các di sản văn hóa…
Du lịch của Cẩm Phả – Cảnh đẹp hang động trong Khu Di tích và Danh thắng Vũng Đục. 

Du lịch Cẩm Phả – Những hạn chế cần khắc phục

Khắc phục những điểm còn hạn chế, thành phố sẽ tập trung vào công tác đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực quản lý nhà nước, phục vụ và kinh doanh du lịch. Tăng cường quảng bá, xúc tiến và hợp tác phát triển du lịch dưới nhiều hình thức, đặc biệt liên kết các tour, tuyến du lịch trong tỉnh và các tỉnh, thành trên toàn quốc nhằm khai thác có hiệu quả sản phẩm và những lợi thế của địa phương.
Với hạ tầng du lịch, thành phố đề nghị với tỉnh dành nguồn lực thỏa đáng từ ngân sách, ưu tiên hỗ trợ đầu tư. Đồng thời tăng cường huy động xã hội hóa, đa dạng hóa các hình thức đầu tư nhằm xây dựng cơ sở hạ tầng ngành du lịch theo hướng đồng bộ, hiện đại, chất lượng cao.
Về các sản phẩm du lịch, bà Nguyễn Thị Bích Thương cho hay, thành phố sẽ tiếp tục phát huy và tăng cường đầu tư, tạo dựng sản phẩm du lịch đặc thù, gồm: Du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng, chữa bệnh và du lịch tham quan. Theo đó, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa vật thể và phi vật thể trên địa bàn.
Phát triển du lịch nghỉ dưỡng tại suối khoáng nóng Quang Hanh, Cẩm Thạch, bãi tắm Quảng Hồng, bãi tắm Lương Ngọc. Khuyến khích mọi nguồn lực đầu tư phát triển các loại hình và sản phẩm du lịch theo hướng phát huy các giá trị tài nguyên du lịch. Huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, đơn vị ngành than để bước đầu xây dựng kế hoạch phát triển du lịch tham quan các khai trường sản xuất than trên địa bàn…
5/5 - (1 bình chọn)
Đăng ký nhận thông tin dự án