Quảng Ninh, Thanh Hoá và Hưng Yên là những địa phương chưa từng lọt top thu ngân sách 50.000 tỷ đồng những năm trước, nhưng năm nay đã có số thu trên 40.000 tỷ đồng.
Hưng Yên
Hưng Yên là tỉnh có số thu ngân sách gần mốc 50.000 tỷ đồng nhất.
Tính chung 10 tháng, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Hưng Yên ước đạt 47.580 nghìn tỷ đồng , tăng 211,15% so với cùng kỳ năm trước và vượt 143,73% kế hoạch năm.
Tỉnh Hưng Yên tập trung thực hiện 8 nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để xây dựng Hưng Yên sớm trở thành tỉnh công nghiệp, nông nghiệp, dịch vụ hiện đại, hiệu quả cao, phát triển nhanh và bền vững.
Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Trần Quốc Văn, trước sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế trong tỉnh và khu vực phía Bắc, tỉnh Hưng Yên xác định “giao thông phải đi trước một bước”, tạo tiền đề cho các ngành kinh tế khác phát triển. Theo đó, tỉnh Hưng Yên sẽ huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng giao thông nhằm kết nối tốt hơn nữa mạng lưới giao thông của tỉnh với hệ thống giao thông quốc gia. Từ đó, nâng cao năng lực khai thác các tuyến đường, tạo động lực thúc đẩy phát triển các khu, cụm công nghiệp, các đô thị trên địa bàn tỉnh.
Quảng Ninh
Địa phương đứng ngay sau Hưng Yên về thu ngân sách là Quảng Ninh.
Trong 10 tháng năm 2022, Quảng Ninh thực hiện tốt “mục tiêu kép”, giữ vững đà tăng trưởng GRDP hơn hai con số trong 6 năm liên tiếp 2016 – 2021 và dự báo cả năm 2022.

Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 10 tháng đạt 44.870 tỷ đồng (tăng 19% cùng kỳ), trong đó thu nội địa đạt 32.470 tỷ đồng (tăng 13% cùng kỳ). Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện dự toán chi ngân sách địa phương còn bộc lộ một số hạn chế, yếu kém, tiến độ giải ngân chi đầu tư phát triển, triển khai các công trình, dự án đầu tư công trọng điểm không đạt yêu cầu đề ra.
Quảng Ninh phát triển kinh tế, xã hội theo hướng “Một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng phát triển”. Trong đó, tâm là thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hóa và lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, mở rộng đô thị về phía Bắc.
Chuyển đổi số toàn diện, trọng tâm là phát triển mạnh kinh tế số tạo nền tảng thúc đẩy phát triển và tạo ra các giá trị tăng trưởng mới trong các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội của tỉnh. Tiếp tục phát triển và hoàn thiện kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, đa dụng, gồm cả hạ tầng số, bảo đảm liên thông tổng thể, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng gắn với hành lang, vành đai phát triển kinh tế, kết nối quốc tế thuận lợi để Quảng Ninh trở thành một trung tâm logistics của vùng và cả nước. Phát triển hệ thống đô thị hiện đại, thông minh, bản sắc và bền vững với quy mô lớn để nâng cấp chất lượng sống của người dân.
Thanh Hoá
Theo UBND tỉnh Thanh Hóa, lũy kế 10 tháng năm 2022, thu ngân sách trên địa bàn tỉnh ước đạt 43.061 tỷ đồng , bằng 145% dự toán và tăng 60% so với cùng kỳ. Trong đó thu nội địa ước đạt 26.078 tỷ đồng, bằng 140% dự toán và tăng 48% so với cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu ước đạt 16.983 tỷ đồng, bằng 154% dự toán, tăng 82% so với cùng kỳ.
Trong đó, chỉ riêng phần thu từ mặt hàng dầu thô đã đạt 13.702,88 tỷ đồng.